Hội thảo xuất khẩu hóa chất tại tỉnh Đồng Nai

Đánh giá bài viết

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng Nai trong năm 2015 này ước đạt khoảng 27 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 14,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai gồm giày dép, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng nông sản, thủy hải sản, va li, túi xách, máy tính, hàng điện tử… Hàng nhập khẩu gồm nguyên phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất; máy móc thiết bị, phụ tùng, máy vi tính, linh kiện điện tử…

Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, 4 thị trường (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và UAE) hiện chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 10 tháng của năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường trên đạt 6 tỷ USD. Dự kiến trong những tháng cuối năm, xuất khẩu sang những thị trường này tiếp tục tăng trưởng tốt, vì nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị mở rộng xuất khẩu và phía các nước trên cũng có nhu cầu nhập hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai phải thông qua đối tác thứ ba. Các DN chưa có cơ hội thực hiện các giao dịch trực tiếp và mở rộng với nhiều đối tác vì năng lực tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối đối tác của DN địa phương còn hạn chế. Từ phía các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, việc tìm kiếm đối tác cũng gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự trợ giúp của nhiều kênh thông tin dễ dẫn đến rủi ro cho DN. Hay các DN cũng quan tâm làm thế nào để có thể đưa các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn vào các siêu thị ở Trung Quốc, UAE để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường này.

Vì thế thông qua các Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước sẽ giúp các DN xuất nhập khẩu của Đồng Nai có thêm thông tin bổ ích về các thị trường xuất khẩu được xác định là trọng điểm sắp tới.

Theo ông Đào Trần Nhân – Tham tán Công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, muốn hàng hóa tiếp cận và thâm nhập được vào thị trường Hoa Kỳ, DN không chỉ bán những gì mình có mà phải bán những gì thị trường cần. Ông Nhân cũng lưu ý, các DN của Việt Nam sẽ gặp những khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này do năng lực xuất khẩu yếu, cước phí và thời gian vận tải lớn, hàng rào kỹ thuật và các điều kiện an toàn thực phẩm cao, khó khăn trong thanh toán… Trong điều kiện phần lớn DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ thì việc liên kết với nhau để nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh là hết sức quan trọng.

Với thị trường Nhật Bản có nhiều tiềm năng, khung pháp lý thuận lợi song yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng nhập khẩu vào thị trường này rất cao. Vì thế để tháo gỡ những khó khăn trên, Việt Nam cần lập trung tâm phân tích, hỗ trợ chi phí lấy mẫu đảm bảo VSATTP và thu hút đầu tư của DN Nhật Bản vào lĩnh vực sản xuất nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, với thị trường UAE dù là thị trường mới đối với phần lớn các DN Việt Nam, tuy nhiên đây là thị trường quan trọng để có thể đưa hàng hóa tiếp cận thị trường các nước Trung Ðông và châu Phi. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang UAE trên 60 nhóm mặt hàng. Hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về VSATTP với hàng hoá nhập khẩu vào UAE tương đối dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vấn đề mà các DN cần quan tâm là sản phẩm khi vào UAE bị đội giá lên cao do chi phí vận chuyển và bảo quản khá cao.

Từ những lưu ý của các cơ quan tham tán thương mại, cộng với với chức năng, nhiệm vụ được giao, các vị tham tán công sứ, tham tán thương mại đều cam kết sẽ làm việc hết sức mình nhằm cung cấp thông tin, kết nối thị trường, kết nối các DN để làm cầu nối giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng tăng mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng.

Thanh Thanh – Ngọc Anh

Nguồn: bocongthuong.com.vn