Dung môi hữu cơ là gì? Có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?

Đánh giá bài viết
Đặc trưng chung của dung môi hữu cơ là tính dễ bay hơi, nên có nhiều khả năng gây tác động có hại đến con người qua đường hô hấp. Một số chất dung môi hữu cơ phổ biến có tác động ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người gồm các chất VOCs, Benzen, Toluen.

Nhiễm độc các chất VOCs: VOCs là tên gọi chung các chất lỏng hay chất rắn có chứa các bon hữu cơ rất dễ bay hơi. Một số chất thông dụng như axeton, ethylacetate, buthylacetate .v.v. Nguồn ô nhiễm VOCs phát sinh do đốt không triệt để xăng dầu, các dung môi hữu cơ tự bay hơi, bay hơi của xăng dầu,  bay hơi của các  hoá chất rơi vãi. Cây xanh khi trao đổi khí ban đêm cũng phát xả VOCs. Nhìn chung, Xăng và sơn là hai thứ  phát xả VOCs nhiều nhất. Chúng ít gây độc mãn tính mà chủ yếu gây độc cấp tính như chóng mặt, say nôn, sưng mắt, co giật, ngạt viêm phổi. Chỉ một số ít chất có khả năng gây độc mãn tính thì lại tạo ra ung thư máu, bệnh thần kinh. Để chủ động phòng tránh cả nguy cơ nhiễm độc và cháy nổ, nhà ở không nên ở gần các cây xăng (theo quy định cây xăng phải cách nhà dân  ít nhất 500 m – tuy nhiên điều này gần như không được thực hiện đúng quy định, nhất là ở các đô thị). Hạn chế làm công việc sử dụng xăng, sơn trong không gian khép kín. Nhà cửa mới sơn xong không được ở ngay. Khi buộc phải tiếp xúc thường xuyên với  các chất VOCs phải sử dụng khẩu trang đúng cách.

Nhiễm độc Benzen: Benzen là một chất lỏng dễ bay hơi khi hỗn hợp với không khí có thể gây nổ. Benzen khi xâm nhập vào cơ thể qua da (tiếp xúc trực tiếp) và qua phổi. Khi xâm nhập, chừng 75% – 90% được cơ thể thải ra trong vòng nửa giờ. Phần còn lại tích luỹ trong mỡ và tuỷ xương, não sau đó được bài tiết chậm ra ngoài. Phần benzen tích luỹ này có thể gây các biểu hiện bệnh lý: Gây ra sự tăng tạm thời của bạch cầu; gây ra sự rối loạn oxy hoá – khử của tế bào dẫn đến tình trạng xuất huyết bên trong cơ thể; nếu hấp thu nhiều benzen cơ thể sẽ bị nhiễm độc với các hội chứng khó chịu, đau đầu, chóng mặt, nôn, có thể dẫn đến tử vong vì suy hô hấp.

Nếu thường xuyên tiếp xúc với ben zen có thể gây nhiễm độc mãn tính. Lúc đầu là  rối loạn tiêu hoá, ăn kém ngon, xung huyết niêm mạc miệng, rối loạn thần kinh, đau đầu, bị chuột rút, cảm giác kiến bò, thiếu máu nhẹ, xuất huyết trong, phụ nữ hay bị rong kinh, khó thở do thiếu máu. Tiếp theo là xuất huyết trong nặng, thiếu máu nặng, giảm bạch cầu. Phụ nữ  bị nhiễm độc nặng có thể bị đẻ non hoặc sẩy thai đây là bệnh nguy hiểm vì benzen có thể tích luỹ lâu dài trong tuỷ xương. Bệnh có thể xuất hiện sau 2 năm kể từ khi bị nhiễm benzen.

Benzen được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất các chất hữu cơ, dùng làm dung môi hoà tan mỡ, cao su, vecni, tẩy da, vải sợi, lau khô, tẩy dầu mỡ bám trên các dụng cụ, vật liệu, phương tiện. Năm 1997, Chính phủ nước ta đã có quyết định cấm dùng ben zen làm dung môi pha chế sơn. Những ngành khác cần sử dụng benzen thì phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Điều này cho thấy benzen cực kỳ độc hại. Người sử dụng hãy cảnh giác với các sản phẩm sơn, nhất là sơn được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu. Chất thải từ các nhà máy thuộc da, dệt nhuộm cơ khí, các xưởng sửa chữa tân trang xe, máy, đóng tàu cũng là những nguồn phát thải benzen.

Nhiễm độc Toluen: Toluen là chất dễ bay hơi, cháy nổ. Chỉ cần một nồng độ nhỏ 1/1000, Toluen đã gây cảm giác mất thăng bằng, đau đầu, nếu nồng độ cao hơn có thể gây ảo giác, choáng ngất. Toluen có trong sơn, nhựa, keo dán công nghiệp và là chất xúc tác trong công nghệ in ảnh. Khi sử dụng sơn, nhựa, keo dán cần tạo không gian thông thoáng, tránh đóng của phòng. Trường hợp có thể, tránh lạm dụng các loại sơn và đồ nhựa.

Tác giả bài viết: Bạch Thái Toàn – Phó chánh Văn phòng Sở

Nguồn:tnmtphutho.gov.vn