Mục lục bài viết
1. Nguyên nhân gây bệnh lở mồm long móng gia súc.
Bệnh lở mồm, long móng gia súc (LMLM) là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, gây ra bởi 1 trong 7 type vi rút: Type A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3, với hơn 60 phân type. ở Việt Nam đã phát hiện bệnh gây ra bởi 3 type A, O và Asia1. Bệnh LMLM lây lan qua đường tiếp xúc giữa động vật khoẻ với động vật, sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, không khí, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, có măng mầm bệnh. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, tỉnh này sang tỉnh khác, nước này sang nước khác theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa, lông,… ). Động vật mắc bệnh LMLM là các loài động vật có móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hưu, nai,…
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đây là bệnh dịch xếp đầu tiên ở bảng A (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất cho chăn nuôi và hạn chế thương mại đối với động vật, sản phẩm động vật).
2. Triệu chứng bệnh LMLM gia súc.
Thời kỳ ủ bệnh LMLM gia súc thường từ 2 -5 ngày (đối với trâu, bò) và 5- 7 ngày (đối với lợn), nhiều nhất là 21 ngày. Khi phát bệnh gia súc có triệu chứng: trong 2 – 3 ngày đầu gia súc sốt cao trên 40oC, mệt mỏi, lông dựng, mũi khô, da nóng; đứng lên, nằm xuống khó khăn, kém ăn; miệng chảy nhiều nước dãi có bọt; bị viêm dạng mụn nước ở lợi, vành mũi, vành móng, kẽ móng chân, đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra sẽ làm lở, loét ở mồm, móng chân; bệnh nặng có thể làm long móng, nhất là ở lợn. Con vật đi lại khó khăn, thường đi khập khiễng, run rẩy. Ngoài ra, đối với bò khi bị bệnh thường hay nâng chân lên rồi lại hạ chân xuống nhiều lần, ở lợn thì thường hay ở tư thế ngồi hoặc quỳ hai đầu gối chân trước.
Sau phát bệnh từ 10 đến 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng, nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật từ 3-4 tuần (đối với lợn), 4 tháng (đối với dê), 9 tháng đối với cừu, 2-3 năm (đối với trâu, bò) và tiếp tục thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
3. Phòng bệnh lở mồm long móng.
Bệnh LMLM có thể hạn chế được thiệt hại đáng kể bằng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, tiêm phòng vắcxin.
– Tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng, tác hại và cách phòng, chống bệnh bệnh LMLM.
– Thực hiện tiêm phòng vắcxin, nhất là vùng khống chế, vùng đệm, vùng có dịch xảy ra trong vòng 2 năm gần đây. Thực hiện tiêm phòng hai lần trong một năm, lần thứ nhất cách lần thứ hai 6 tháng, lần thứ nhất nên tiêm vào tháng 3 – 4 trong năm, lần thứ hai nên tiêm vào tháng 9 – 10 trong năm.
– Vận động mọi người chăn nuôi gia súc cam kết thực hiện “5 không”: không dấu dịch; không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc, không vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi ra môi trường.
– Cách ly triệt để gia súc ốm, không cho chăn thả tập trung; thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, diệt loài gậm nhấm,… thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc bị ốm, chết. Có thể dùng một trong các hoá chất sau để tiêu độc, khử trùng: Formol 2%, NaOH 2%, Crezin 5%, nước vôi 20%, vôi bột và một số hoá chất khác được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cán bộ thú y.
– Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM; trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Người vào thăm quan, nhân viên thú y,… trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi phải phải được vệ sinh, khử trùng và trang bị bảo hộ.
– Thực hiện kiểm dịch động vật nghiêm ngặt để khỏi bị lây lan theo địa lý.
– Khi phát hiện có dịch phải công bố dịch theo qui định và thực hiện các biện pháp hành chính, kỹ thuật kịp thời, triệt để nhằm ngăn chặn sự lây lan.
4. Chữa bệnh LMLM gia súc.
Vi rút LMLM dễ bị bởi ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao (như nước đun sôi 100oC), các chất có độ toan cao như quả khế chua (pH ³ 3) và các chất kiềm mạnh như xút (pH ³ 9). Vi rút có thể sống nhiều ngày trong chất thải hữu cơ ở chuồng nuôi, các chất có độ kiềm nhẹ (pH từ 7,2 – 7,8); trong thịt ướp đông vi rút có thể sống trong nhiều tháng.
Khi bị nhiễm bệnh LMLM, nếu không được điều trị kịp thời, gia súc non thường bị chết ở tỷ lệ từ 20 – 50%, gia súc trưởng thành thường bị chết từ 2 – 5%, tỷ lệ mắc bệnh trong một đàn thường là 100%. Đến nay, bợ̀nh LMLM chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, chỉ có thuốc chữa triệu chứng. Chữa triệu chứng nhằm làm cho vết thương nhanh chóng lành thành sẹo và không gây ra các biến chứng nguy hiểm làm chết gia súc.
– Chữa miệng: Dùng các chất sát trùng nhẹ, các loại quả chua như khế, chanh bóp mền, rưới nước (hoặc bơm xịt nước), trà đi, sát lại ở lưỡi, mặt trong má, hàm trên, lợi, bỏ bã vào miệng cho con vật nhai. Dùng vải mỏng thấm nước nói trên xoa vào vùng vết thương 2 – 3 lần/ngày và xoa trong vòng 4 – 5 ngày. Có thể dùng một trong các chất như: xanh Methylen 1%, thuốc tím 1%, Formol 1%, phèn chua 3%, axit acetic 3% hoặc dùng thuốc mỡ Tetracilin, Penicilin bôi vào vết thương.
– Chữa móng: Rửa sạch chân gia súc bằng nước muối, nước lá chát, hoặc thuốc tím, phèn chua, dấm ăn; sau đó bôi các chất sát trùng hút mủ, nhanh lên da non lên vùng móng bị bệnh (bột xoan trộn với dầu lạc, diêm sinh). Để đề phòng ruồi nhặng đẻ trứng vào kẽ móng, có thể dùng Cresin pha loãng hoặc dùng thuốc lào, một ít băng phiến đắp vào vết thương.
– Chữa vú: Rửa mụn loét bằng nước muối ấm, dung dịch axit boric 2-3% hoặc nước xà phòng, sau đó bôi dầu cá, các thuốc sát trùng vào vết thương.
– Chăm sóc cho gia súc, đảm bảo giữ chuồng khô ráo, sạch sẽ, lót chuồng dày cho gia súc nằm, cho ăn cỏ tươi, cỏ mền; bổ sung cho gia súc ăn cháo khi bị bệnh nặng.
Cùng với việc điều trị bệnh, cần tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh khu vực có gia súc bị bệnh và các vật dụng có liên quan đến gia súc ốm, chết; thực hiện nuôi nhốt, cách ly gia súc,… theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đối với vùng lần đầu tiên phát hiện có dịch, diện dịch hẹp, số lượng gia súc mắc bệnh ít hoặc mắc bệnh do vi rút type mới gây ra, thì biện pháp hiệu quả nhất là tiêu huỷ toàn bộ gia súc nhiễm bệnh, để nhanh chóng dập tắt ổ dịch./.
(Thanh Hoa Portal)